Khoảng 2 năm gần đây, các loại robot hút bụi và lau nhà đang phát triển nhanh chóng với vô vàn tính năng. Ban đầu chúng chỉ cần hút bụi, sau đó thêm miếng giẻ lau nhà, sau đó là các hệ thống cảm biến nhận diện vật thể lên ngôi. Không lâu sau chúng có thêm camera thông minh, dock sạc kiêm hút rác và giặt giẻ lau…
Dù thấy hay thật nhưng hơn 2 năm nay, tôi vẫn thấy hài lòng với mẫu robot siêu cơ bản, giá khi mua chỉ hơn 4 triệu có tên Dreame F9. Mẫu robot này thậm chí còn không có “cục gù” tích hợp cảm biến LiDAR ở trên lưng, lực hút không mạnh lắm, thời lượng pin đã giảm kha khá nhưng hóa ra lại đáp ứng gần như hoàn hảo nhu cầu hàng ngày.
Cụ thể, thông số robot Dreame F9 là:
Công suất tiêu thụ : 40W
Lực hút : 2500PA
Dung tích ngăn chứa bụi : 600ml
Bộ lọc HEPA lọc bụi mịn, lông thú…
Dung tích ngăn chứa nước : 200ml
Dung lượng pin : 5200mAh, hoạt động tối đa 150 phút, sạc đầy trong 2 giờ
Độ ồn : <65dB
Điều khiển từ xa, chỉnh chế độ, lưu bản đồ… qua ứng dụng Mi Home
Tính năng ít nhưng đủ dùng
Thiết kế và tính năng của Dreame F9 thực ra không có gì nổi bật, thậm chí thua kém nhiều so với 1 vài mẫu cùng tầm giá. Điển hình là việc chỉ dùng 1 camera hướng lên trần nhà để xác định vị trí. Cách này giúp máy mỏng hơn, loại bỏ khối gù trên lưng để di chuyển trong gầm tủ, bàn ghế dễ hơn. Tuy nhiên, cũng vì dùng camera thông thường nên robot chỉ có thể nhận diện đường đi, phòng ốc khi bật đèn hoặc có nhiều ánh sáng.
Chưa kể vì chỉ dùng cảm biến hồng ngoại ở phía trước để nhận diện vật cản nên khả năng né tránh của robot này rất tệ, chỉ có thể “nhìn” thấy tường, kệ tủ cỡ lớn, rõ ràng. Các đồ vật như chân bàn ghế, giày dép robot không nhận diện được và thường xuyên đâm đụng khắp nơi, đi đè lên dây điện, đồ đạc trên sàn.
Robot hút bụi “lì” nhất tôi từng dùng
Nhưng, nhược điểm này hóa ra cũng là ưu điểm vì robot sẽ luôn đi sâu vào các góc hẹp để hút bụi kĩ hơn. Tôi đã dùng thử vài loại robot với cảm biến xịn và tích hợp khả năng nhận diện thông minh hơn thì thấy chúng hay bỏ qua, không đi sát vào các vị trí hẹp vì sợ bị kẹt.
Chiếc Dreame F9 này không những không bỏ qua mà còn rất “lì lợm”, sẵn sàng đi khắp nơi miễn là bánh xe lăn qua được, kể cả chân quạt như hình dưới đây. Thỉnh thoảng robot sẽ mất 1 lúc để thoát ra nhưng không chịu bỏ cuộc, trong khi nhiều mẫu robot thông minh hơn khi bị kẹt tương tự sẽ ngừng hoạt động luôn và bắt người dùng phải nhấc nó ra thay vì tự tìm đường.
Tôi đã thử vài robot khác và đều bị mắc kẹt, báo lỗi về điện thoại, nhưng mẫu Dreame F9 này thì luôn tự tìm đường thoát ra được dù đôi khi mất khá lâu.
Vẫn có đủ các tính năng cần thiết
Lực hút của Dreame F9 thực ra khá yếu, cao nhất chỉ 2500Pa trong khi các robot khác giờ đã lên đến 5000Pa hoặc hơn. Vì thế nên từ khi mua, lúc nào tôi cũng phải bật chế độ hút mạnh hoặc cực mạnh mới đủ để hút được lông và hạt cát mèo. Chưa kể, bụi và lông bám lại trước bộ lọc còn làm giảm khả năng hút nên nếu đặt mức yếu thì gần như vô dụng.
Bù lại, robot vẫn được trang bị tính năng lưu bản đồ và vẽ tường ảo, vùng cấm hút/lau qua ứng dụng. Năm ngoái tôi đã thử xem vài mẫu robot khác tầm 5 – 6 triệu và không hiểu sao lại không có tính năng này. Nhờ đó mà robot nhà tôi chưa bao giờ đi lạc vào phòng tắm, ban công hay ra hành lang chung cư dù có để cửa mở cả ngày.
Điểm mà tôi chiếc nhất về Dreame F9 là khả năng lau khá kém, chỉ là kéo rê 1 miếng giẻ quanh nhà, làm sạch hơn 1 chút trong vài mét vuông đầu chứ sau đó giống như đang bôi vết bẩn từ chỗ này ra chỗ khác. Chưa kể, mỗi lần sử dụng xong phải lấy ra giặt ngay, nếu không chỉ cần vài tiếng là bốc mùi hôi ngay.
Vì nhà nhỏ, mỗi lần dọn dẹp máy chỉ chạy trong khoảng 20m2 nên các phụ kiện đến giờ vẫn dùng được, duy chỉ có bộ lọc vừa báo cần thay mới sau hơn 2 năm sử dụng. Các phụ kiện của máy hiện vẫn bán phổ biến tại Việt Nam, dễ mua và giá rất rẻ, thay toàn bộ cũng chỉ khoảng hơn 100.000đ nên không thành vấn đề. Chưa kể, các thành phần này cũng đơn giản hơn các dòng robot cao cấp nên đỡ lo hỏng hóc hơn 1 chút. Tôi chưa từng phải mang robot đi sửa mà chỉ tự vệ sinh lại các cảm biến, hộp bụi, bánh xe, chổi xoay là dùng được tiếp. Nó cũng đã từng trải qua vài “kiếp nạn” như vô tình hút nước, lăn qua phân mèo và nến chảy đổ ra sàn nhưng vẫn hoạt động hoàn hảo, chỉ cần lau dọn sạch.
Nói chung nếu bạn chỉ muốn mua 1 con robot dạng “cần cù bù thông minh”, chăm chỉ chui vào mọi góc dọn dẹp, không cần các tính năng quá cao siêu thì Dreame F9 vẫn là lựa chọn tốt, nhất là khi săn được giá rẻ còn khoảng 4 triệu trong các đợt sale lớn. Có lẽ cũng vì dùng tốt, bền bỉ nên đến nay máy vẫn còn được bán ở Việt Nam, thậm chí giá còn tăng nhẹ so với hồi 2021. Nếu quan tâm, bạn có thể tham khảo giá và đặt mua bằng link phía dưới.
Để lại bình luận